Theo định nghĩa gốc, đổi mới sáng tạo (tiếng anh là innovation) là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
“Đổi mới sáng tạo là việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế xã hội”. Khi một ý tưởng hay tri thức, dù có hấp dẫn và tiềm năng đến đâu, nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là đổi mới sáng tạo.
Chức năng của đổi mới sáng tạo chính là đưa sự sáng tạo và tính mới thâm nhập vào hệ thống kinh tế xã hội nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có đổi mới sáng tạo, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và không tạo ra được giá trị mới cho phát triển. Do đó, đổi mới sáng tạo đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội.
Đổi mới sáng tạo không chỉ nằm trong tư duy, mà còn bao gồm cả việc ứng dụng tư duy đó vào thực tế. Đối mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường, vì chúng tạo ra những thay đổi khác biệt và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề của khách hàng.
Tại sao doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo?
Để thích ứng với sự thay đổi không ngừng trong bối cảnh của thời đại
Những dẫn chứng cụ thể để doanh nghiệp thấy được rằng, đổi mới sáng tạo thực sự quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Nokia – thương hiệu điện thoại hàng đầu những năm 1990 không ngờ được sự bùng nổ và soán ngôi của hàng loạt thương hiệu mới nổi như Apple và Samsung. Họ đã xây dựng đế chế công nghệ khổng lồ trên thị trường trong khi Nokia không chịu thay đổi, vẫn giữ nguyên cơ chế hoạt động cũ.
Chiếc xe tự lái đầu tiên được Google lên kế hoạch sản xuất vào năm 2014 và ra mắt vào năm 2020. Và chỉ không lâu sau, hàng loạt các hãng cũng đồng thời cho ra mắt sản phẩm tương tự, dự kiến sẽ có một cuộc đổi ngôi giữa dòng xe cũ và mới.
Theo Tom Goodwin: “Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc xe nào. Facebook, nhà sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới, không có tí hàng lưu kho nào. Và Airbnb, nhà cung cấp phòng ở cho thuê lớn nhất thế giới, không có chút bất động sản nào”. Và chỉ chưa đầy một thập kỷ từ khi dịch vụ Airbnb.com ra đời ở Mỹ, dịch vụ chia sẻ loại này đã bùng nổ thành nền kinh tế chia sẻ có mặt trên toàn thế giới.
Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, thật khó để có thể tồn tại nếu doanh nghiệp chỉ đi theo lối mòn và sự thật là Nokia đã phải trả một cái giá đắt cho việc ngại sáng tạo, ngại thay đổi. Doanh nghiệp không thể chủ quan bởi đối thủ cạnh tranh của họ ngày một mạnh hơn từng ngày.
Nhập cuộc với những biến động lớn trong nền kinh tế, nhân sự, trải nghiệm khách hàng
Càng tiếp xúc nhiều với công nghệ, mong muốn của khách hàng về những loại trải nghiệm dịch vụ lại càng thay đổi nhiều hơn. Chẳng hạn như trong thời điểm hiện tại, khách hàng có xu hướng không muốn nghe doanh nghiệp tự quảng cáo về sản phẩm mà biết đến sản phẩm khách quan qua trung gian là các KOL, KOC. Họ cũng quan tâm nhiều hơn đến mạng xã hội mới nổi như TikTok, hay những nền tảng như Facebook, Instagram thay vì Website. Hay đơn giản họ thích được trải nghiệm, tương tác và để hiểu điều này, doanh nghiệp cần phải bắt kịp với xu hướng liên tục.
Chiến lược của doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng đổi mới sáng tạo để gia tăng sức cạnh tranh, bằng không sẽ ì ạch và vô cùng trì trệ. Chiến lược chỉ tập trung chủ yếu vào cắt giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn chiến lược cung cấp sản phẩm và dịch vụ một cách sáng tạo.
Đổi mới là chìa khóa vượt qua thách thức
COVID-19 cùng những hệ lụy lâu dài, các cuộc xung đột chiến tranh toàn cầu, tăng trưởng chậm và biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn trong bất kỳ quốc gia nào. Ai cũng đang phải gánh chịu hậu quả của các vấn đề này, trong đó có Việt Nam. Tính ổn định, bền vững giờ đây cần được xem xét lại, Việt Nam đặc biệt là doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo như một lựa chọn mang tính sống còn. Trong thời điểm đó, tư duy mới cùng quá trình chuyển đổi số là chìa khóa để bứt phá thành công.